Các loài vượn nói chung và Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) nói riêng hiện chỉ còn phân bố ở các khu vực rừng xa xôi, khó tiếp cận. Do vậy, thông tin về đặc điểm sinh thái của các loài vượn thường ít được nghiên cứu. Công trình nghiên cứu này sử dụng các thiết bị ghi âm tự động và phương pháp âm sinh học để đánh giá phân bố theo sinh cảnh và đặc điểm tiếng hót của Vượn đen má trắng ở Vườn Quốc Gia (VQG) Vũ Quang, Hà Tĩnh. Qua thời gian điều tra ngoại nghiệp từ tháng 7 năm 2019 đến tháng 5 năm 2020 tại VQG Vũ Quang, nhóm tác giả đã đặt máy ghi âm được 53 điểm tại 33/39 tiểu khu của VQG Vũ Quang
đã ghi nhận được 12/53 điểm, 8/33 tiểu khu với tổng cộng 32 lượt Vượn đen má trắng hót. Dữ liệu khảo sát hiện trạng rừng tại các điểm đặt máy ghi âm cho thấy những điểm có ghi nhận Vượn đen má trắng có hiện trạng rừng từ trung bình đến giàu chiếm 97,51% diện tích. Như vậy, có thể thấy vượn ưa thích các sinh cảnh rừng còn tốt. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, Vượn đen má trắng bắt đầu hót từ khoảng 5h00 cho đến 8h00, trong đó bắt đầu hót trong khoảng 5h00-6h00 chiếm 34,38%, 6h00 - 7h00 chiếm 50%. Thời điểm bắt đầu hót thay đổi theo mùa trong năm. Vào mùa hè vượn thường hót sau 5h00, vào mùa xuân các đàn vượn thường bắt đầu hót sau 5h30 và vào mùa đông các đàn vượn thường hót muộn hơn, thường sau 6h00.