Bạch đàn là một trong những nhóm loài cây trồng rừng chính với tổng diện tích khoảng 350.000ha và được trồng trên nhiều vùng sinh thái chính ở Việt Nam. Trong những năm qua đã ghi nhận sâu hại chính đối với rừng trồng bạch đàn là loài ong gây u bướu, sâu cuốn lá... Nghiên cứu này nhằm mô tả đặc điểm hình thái và giám định loài của các loài mọt đục thân Bạch đàn urô ở Phú Thọ và Bắc Giang. Kết quả điều tra đã ghi nhận ba loài mọt đục thân Bạch đàn urô gồm Xylosandrus crassiusculus, Xyleborus pergorans và Xyleborinus artestriatus, trong đó 90% số mẫu mọt thu được thuộc loài Xylosandrus crassiusculus. Mọt Xylosandrus crassiusculus gây hại nặng ở rừng trồng bạch đàn tuổi nhỏ, đặc biệt là ở giai đoạn dưới 1 năm tuổi với tỷ lệ cây bị hại trên 26%. Mọt đục thân đã làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng gỗ của rừng trồng Bạch đàn urô. Đây là các loài sinh vật gây hại tiềm ẩn những nguy hiểm đối với rừng trồng bạch đàn ở Việt Nam và cấn tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phòng trừ để có giải pháp quản lý hiệu quả.