Mô tả đặc điểm lâm sàng của người bệnh cắt túi mật và đánh giá hoạt động chăm sóc, tư vấn giáo dục sức khỏe (GDSK) của điều dưỡng thực hiện trên người bệnh. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 76 người bệnh sau phẫu thuật cắt túi mật. Bộ câu hỏi thu thập số liệu bao gồm thông tin về nhân khẩu học, các hoạt động chăm sóc, tư vấn giáo dục sức khỏe và sự hài lòng của người bệnh về công tác chăm sóc được dùng trong nghiên cứu náy Thống kê mô tả được sử dụng để tính tần suất, tỷ lệ phần trăm của đặc điểm người bệnh, đặc điểm lâm sàng và các hoạt động theo dõi chăm sóc sức khỏe. Tỷ số chênh OR, hồi quy logistic được sử dụng để phân tích và kiểm định mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ với nhiễm khuẩn vết mổ. Kết quả: Tỷ lệ người bệnh nữ nhiều hơn nam (53,9% so với 46,1%), phần lớn người bệnh dưới 60 tuổi chiếm tỷ lệ 53,9%, 67,1% người bệnh được mổ theo kế hoạch, 71,1 % được mổ nội soi. Tỷ lệ người bệnh bị nhiễm khuẩn vết mổ là 11,8%. Các hoạt động chăm sóc điều dưỡng được thực hiện hiện tót đạt từ 75% trở lên. Tỷ lệ hài lòng của người bệnh với công tác chăm sóc đạt 92,1%. Người bệnh mắc đái tháo đường kèm theo, phương pháp mổ mở có ý nghĩa thống kê liên quan đến nhiễm khuẩn vết mổ (p <
0,05). Kết luận: Tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ ở người bệnh cắt túi mật khá cao (11,8%), xảy ra chủ yếu ờ người bệnh đái tháo đường và mổ mở. Hầu hết người bệnh hài lòng với các hoạt động chăm sóc điều dưỡng và tư vấn giáo dục sức khoẻ. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, điều dưỡng cần chú ý đến kiểm soát nhiễm khuẩn đối với người bệnh nói chung đặc biệt là người bệnh có bệnh đái tháo đường kèm theo và người bệnh được phẫu thuật mở để giảm thiểu nguy cơ và phát hiện kịp thời dấu hiệu nhiễm khuẩn vết mổ. Điều dưỡng cần quan tâm hơn đến GDSK về dinh dưỡng cho người bệnh.