Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của việc sử dụng nano bạc trong xử lý hạt giống và phòng trừ bệnh giả suơng mai trên cây dưa leo. Nghiên cứu gồm 2 thí nghiệm được thực hiện từ tháng 12/2017 đến 5/2018 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thí nghiệm 1 là xác định nồng độ nano bạc ngâm hạt giống dưa leo làm tăng chất lượng cây giống được thực hiện trong nhà lưới với 14 nghiệm thức, 3 lần lập lại, mỗi ở cơ sở là 100 hạt giống. Thí nghiệm 2 là xác định nồng độ nano bạc phun phòng trừ hiệu quả bệnh giả sương mai gây hại cây dưa leo được bố trí theo kiểu lò phụ với 10 nghiệm thức, 3 lần lập lại, mỗi ô cơ sở là 50 m. Kết quả xử lý hạt giống cho thấy ngâm hạt dưa leo trong dung dịch Mifum 0.6SL hoặc Endophyte ở nồng độ nano bạc 2,5 ppm - 3,0 ppm trong 2 giờ làm tăng tỷ lệ nảy mầm từ 9,10% - 10,57% ở thời điểm 3 ngày sau gieo hạt, chiều dài rễ tăng 16,86% - 17,77% và chiều cao cây tăng 12,14% - 14,46% so với đối chứng ngâm nước cất và cao hơn các nghiệm thức ngâm hạt với nồng độ nano bạc 0,5 ppm, 1 ppm, 1,5 ppm, 2,0 ppm. Kết quả thí nghiệm phun 01 lần Mifum 0.6SL hoặc Endophyte phòng trừ bệnh giả sương mai trên dưa leo cho thấy mức độ bệnh giả sương mai hại dưa leo của các nghiệm thức phun nano bạc ở nồng độ 60 -80 ppm thấp hơn so với nghiệm thức đối chứng và nghiệm thức phun nano bạc ở nồng độ 20 - 40 ppm. Và hiệu lực phòng trừ bệnh giả sương mai ở nghiệm thức phun nano bạc với nồng độ 60- 80 ppm đạt 73,74% - 81,95% ở thời điểm 7 ngày sau phun.