Nước thải giàu phốt pho (P) là một trong các nguyên nhân chính gây ra tình trạng phú dưỡng, tác động xấu đến đời sống các sinh vật thủy sinh và mất cân bằng sinh thái. Nghiên cứu này khảo sát ảnh hưởng của các yếu tố môi trường (pH, nồng độ P ban đầu, mức nước, tuổi cây, và mật độ cây) đến hiệu quả xử lý và tốc độ hút thu P trong môi trường nước của cây sả chanh (Cymbopogon citratus) và cỏ chịu ngập (Ubon paspalum). Kết quả cho thấy, tốc độ xử lý P của cây sả chanh và cỏ chịu ngập cao nhất ở pH 7 và pH 5 (11,56 và 10,96 mg P/kg sinh khối tươi/ngày). Tốc độ xử lý P của cả hai loài thực vật khảo sát đều tăng khi nồng độ P ban đầu trong nước thải tăng. Ở mức nước ngập 5 cm, tốc độ hút thu P của hai loài thực vật là cao nhất. Tốc độ hút thu P của cỏ chịu ngập giảm dần khi cây lớn trong khi xu thế ngược lại xảy ra với sả chanh. Tốc độ hút thu P của cả hai loài thực vật đều giảm khi mật độ cây tăng lên. Kết quả này là cơ sở để thiết kế hệ thống bãi lọc trồng cây với sả chanh và cỏ chịu ngập để xử lý nước thải giàu P.