Nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của các nguồn cá bố mẹ đến tăng trưởng và tỉ lệ sống của cá sặc rằn ở giai đoạn nuôi thương phẩm. Cá giống từ ba nguồn cá bố mẹ: cá nuôi ở Đồng Tháp (ĐT) và hai nguồn cá tự nhiên từ Cà Mau (CM) và Kiên Giang (KG) đã được ương 2,5 tháng, có khối lượng 5,84 - 7,30 g. Cá được nuôi thương phẩm trong 6 ao (200 m2/ao) với mật độ 20 con/m2. Sau 7 tháng, khối lượng cá nguồn ĐT đạt cao nhất (117,2 ± 34,9 g), khác biệt có ý nghĩa (p <
0,05) so với cá nguồn CM (95,7 ± 17,7 g) và KG (104,6 ± 30,3 g). Nguồn cá ĐT có tỉ lệ sống (89,8 ± 3,5%) khác biệt có ý nghĩa (p <
0,05) so với nguồn CM nhưng không khác biệt so với nguồn KG. Hai nguồn cá tự nhiên CM và KG tương đương nhau về tỉ lệ sống (80,9% và 85,5%) (p >
0,05). Hệ số thức ăn của ba nguồn cá tương đương nhau (p >
0,05), dao động 2,08 - 2,26. Năng suất cá sặc rằn nuôi từ nguồn ĐT (21.034 ± 479 kg/ha) cao hơn có ý nghĩa so với nguồn CM (14.335 ± 400 kg/ha) và KG (15.957 ± 2.318 kg/ha) (p <
0,05).