Viêm phổi thuỳ là một thể lâm sàng viêm phổi, bệnh thường nặng và khó chẩn đoán nếu chỉ dựa vào lâm sàng. Tại Cần Thơ, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu nào về tác nhân vi khuẩn gây viêm phổi thùy ở trẻ em. Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát các đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng, tác nhân vi khuẩn gây bệnh thường gặp gây bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang. Nghiên cứu được thực hiện trên 72 bệnh nhi viêm phổi thùy nhập khoa Nội Hô Hấp Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ từ tháng 5/2019 đến tháng 4/2020. Bệnh nhân được thực hiện RT-PCR (Realtime Polymerase chain reaction) dịch khí quản qua ngã mũi NTA (Naso tracheal aspiration) tại Viện Nghiên cứu gen và miễn dịch quốc tế, Công ty Nam Khoa, thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả: Viêm phổi thùy xảy ra chủ yếu ở trẻ từ 3 - 7 tuổi (51,4%). Triệu chứng lâm sàng thường gặp là ho (100%), sốt (93,1%), thở nhanh (87,5%), rút lõm ngực (51,4%), khò khè (45,8%), ran ẩm/nổ (38,9%). 65,3% các trường hợp có CRP tăng >
10 mg/L. Kết quả RT-PCR NTA dương tính là 91,2%. Streptococcus pneumoniae chiếm tỷ lệ nhiều nhất 66,2%, kế đến Staphylococcus aureus và Mycoplasma pneumoniae (cùng chiếm 39,7%), Haemophilus influenzae (20,6%), Moraxella catarrhalis (11,8%). Kết luận: Tác nhân vi khuẩn gây bệnh chính của viêm phổi thùy ở trẻ em là Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus và Mycoplasma pnemoniae. Do đó, điều trị kháng sinh nên tập trung vào 3 loại vi trùng này.