Nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của độ mặn lên thành phần động vật nổi. Nghiên cứu gồm có 8 nghiệm thức với 3 lần lặp lại gồm 0, 5, 10, 15, 20, 25 và 30‰ và nước biển tự nhiên (30‰). Độ mặn được nâng từ 0 lên 5‰ trong 6 giờ và giữ 1 tuần, sau đó tiếp tục nâng 5‰ vào tuần tiếp theo cho đến khi tất cả các nghiệm thức độ mặn thí nghiệm. Thí nghiệm được bố trí trong bể composite 1.000 L đặt ngoài trời, đáy bể có lớp bùn 10 cm. Kết quả xác định được 84 loài động vật nổi, trong đó Rotifera có thành phần loài đa dạng nhất với 35 loài (42%), Protozoa 28 loài (33%), các nhóm còn lại biến động từ 2-14 loài (2-17%). Cladocera không xuất hiện ở độ mặn cao hơn 5‰. Một số loài động vật nổi nước ngọt thuộc Protozoa, Rotifera và Copepoda có xu hướng biến mất và được thay thế bằng các loài khác khi môi trường nước khi độ mặn tăng. Có sự tương quan nghịch có ý nghĩa (r=-0,49) giữa độ mặn và chỉ số H'. Tính đa dạng thành phần loài động vật nổi ghi nhận được thấp hơn ở các nghiệm thức có độ mặn cao hơn. Như vậy, sự thay của độ mặn ảnh hưởng đáng kể đến sự thành phần của động vật nổi.