Là cây ăn quả đặc sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng do nhiều nguyên nhân về sự thoái hóa đất, chất lượng cây giống không đảm bảo, dịch bệnh hại, kỹ thuật chăm sóc chưa phù hợp... nên năng suất và chất lượng và hiệu quả kinh tế giống quýt hôi ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đang suy giảm mạnh trong những năm gần đây, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của các nhà vườn. Nghiên cứu được thực hiện trên 3 xã trọng điểm trồng quýt hôi của huyện Bá Thước là Ban Công, Thành Lâm và Thành Sơn. Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy: cây quýt hôi chú yếu được ươm bằng hạt, sau 1 năm đưa ra vườn trồng, sau 8-10 năm mới bắt đầu cho quả. Trong thời kỳ kinh doanh cây quýt hôi cho thu nhập khá cao (265-389 triệu đồng/ha) nhưng do cây gieo hạt, thời kỳ chưa cho quả quá dài (từ 8 -10 năm) nên bình quân thu nhập chỉ dao động từ 40 - 50 triệu đồng/ha/năm. Đất trồng quýt ở huyện Bá Thước có hàm lượng các bon hữu cơ tổng số từ nghèo đến trung bình (0,95-1,56% OC), đạm tổng số ở mức trung bình (0,12-0,18% N), lân tổng số từ trung bình đến giàu (0,08-0,15% P2O5), nhưng lân dễ tiêu (<
5 mg P20 5/100 g đất), kali tổng số và dễ tiêu đều nghèo
canxi trao đổi ở mức cao nhưng magiê trao đổi ở mức thấp đến trung bình
dung tích hấp thu ở mức trung bình (10,04-14,78 meq/100 g đất). Để phát triển bền vững cây quýt hôi, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật khác nhau, trong đó các khâu nhân giống sạch bệnh bằng vi ghép đỉnh sinh trưởng, bón phân cân đối, kiểm soát dịch bệnh đóng vai trò quan trọng.