Thực hiện Thỏa thuận Paris, Việt Nam cần phải xây dựng kế hoạch thực hiện đóng góp do quốc gia tự xác định (NDCs), trong đó nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng với thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và giảm phát thải khí nhà kính. Nghiên cứu này đã tiến hành đánh giá tổn thương do BĐKH đối với 706 huyện thuộc 63 tỉnh với 5 cây trồng chính để đề xuất các hành động cho thích ứng với BĐKH. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng 51,16% huyện có mức độ tổn thương trung bình đối với trồng trọt
48,84% có mức độ tổn thương trung bình cao (mức 0,4 đến 0,6). Chỉ số tổn thương bình quân là 0,395, với khoảng tổn thương từ 0,204 đến 0,549, trong đó vùng Bắc Trung Bộ là vùng có mức độ tổn thương với trồng trọt cao nhất (0,446), tiếp đến là vùng miền núi Tây Bắc (0,418), Đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL (0,412), vùng Tây Nguyên (0,403), vùng Đông Nam Bộ (0,398), vùng Nam Trung Bộ (0,390), vùng Đồng bằng sông Hồng - ĐBSH (0,363) và vùng miền núi Đông Bắc (0,351). Các biện pháp thích ứng gồm canh tác lúa cải tiến (SRI), canh tác ngô đậu tổng hợp (IMB), trồng bưởi theo VietGAP (VGP), canh tác tổng hợp cà phê (ICoM) và canh tác tổng hợp sắn và lạc (ICP), ngoài nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH còn mang lại thu nhập cao hơn đối chứng từ 1,85 đến 7,81 lần. Nghiên cứu đã đề xuất được 8 hành động chính sách chung và 11 hành động thích ứng cụ thể cho kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP) đối với lĩnh vực trồng trọt.