Nghiên cứu được thực hiện nhằm ứng dụng kỹ thuật RT-PCR (Reverse Transcript-Polymerase Chain Reaction) để chẩn đoán bệnh dịch tả lợn cổ điển dựa trên đoạn gen ncE2 của virus. Giống virus được sử dụng trong nghiên cứu được phân lập từ lợn chết tại tỉnh Bắc Giang năm 2018. Cặp mồi đặc hiệu được thiết kế dựa trên trình tự nucleotide trên ngân hàng gen thế giới (NCBI). Bằng phương pháp RT-PCR với các điều kiện tối ưu hóa, kết quả nghiên cứu cho thấy, virus dịch tả lợn cổ điển phát triển tốt trên môi trường tế bào PK15a trong DMEM bổ sung 5% huyết thanh bào thai bê. Giống virus được gây nhiễm trên môi trường tế bào theo hướng dẫn của tổ chức OIE. Phản ứng RT-PCR được thực hiện thành công với cặp mồi CSF324/326 ở nhiệt độ gắn mồi 50-60°C. Trình tự, gen ncE2 của virus dịch tả lợn được giải trình với độ dài 284bp, mã hóa 93 axít amin, độ tương đồng 99% so với chủng đã công bố trên ngân hàng gen NCBI. Kết quả nghiên cứu là cơ sở phân tích tính di truyền của virus dịch tả lợn cổ điển lưu hành tại Việt Nam.