Vi khuẩn được sử dụng như một thành phần của phối liệu bê tông nhằm tạo ra các sản phẩm khoáng đặc trưng. Các sản phẩm khoáng này đóng vai trò cải thiện tính chất cơ lý của vật liệu bê tông ở cả giai đoạn sớm lẫn dài ngày. Trong nghiên cứu này, vi khuẩn Bacillus subtilis HU58 được sử dụng cùng với diatomite Lâm Đồng, nhằm tạo ra vật liệu bê tông vi khuẩn có khả năng tự liền trong thời gian dài. Khả năng tự liền được khảo sát trong thời gian 24 tháng. Các phương pháp phân tích thành phần khoáng và vi cấu trúc vật liệu cho thấy mức độ hình thành các sản phẩm khoáng từ vi khuẩn ở dạng các tinh thể calcite tăng theo thời gian. Với các mẫu vữa (40x40x160mm), cả cường độ chịu nén (61MPa so với 57MPa) và cường độ chịu uốn (11MPa so với 9MPa) đạt cao hơn so với mẫu đối chứng không có vi khuẩn. Với quy mô mẫu lớn hơn, các mẫu bê tông (150x150x150mm) có cường độ chịu nén khoảng 18% so với mẫu bê tông thường không vi khuẩn (ở mốc 60 ngày). Nhằm kiểm soát quá trình tạo khoáng của vi khuẩn tốt hơn, vi khuẩn Bacillus subtilis HU58 cùng các chất dinh dưỡng được cố định trong diatomite dưới dạng các viên nén trước khi trộn vào bê tông. Để khảo sát, vết nứt (1-1,8mm) được tạo ra trên các mẫu trụ sau khi xi măng kết thúc đóng rắn. Các kết quả về thử nghiệm độ thấm nước qua vết nứt này chứng minh cho khả năng làm liền vết nứt của vi khuẩn.