Hiện nay, nhân loại đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu (BĐKH) và sự cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch nhanh chóng. Việt Nam là một trong số các quốc gia được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của BĐKH với gần 60% diện tích đất và 70% dân số dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai [1]. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đã được xác nhận là nguyên nhân chính làm gia tăng phát thải khí nhà kính (KNK), góp phần vào BĐKH. Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) đóng vai trò đáng kể vào sự gia tăng này. Tăng trưởng kinh tế và tăng thu nhập bình quân đầu người đã dẫn đến tốc độ cơ giới hóa nhanh chóng trong lĩnh vực GTVT, với 3,9 triệu ô tô và 58,2 triệu xe máy được đăng ký tính đến năm 2018 [2]. Như một hệ quả tất yếu, ngành GTVT đã trở thành ngành tiêu thụ năng lượng lớn ở Việt Nam và là nguồn phát thải KNK đáng kể. Năm 2014, tổng lượng phát thải KNK từ lĩnh vực GTVT vào khoảng 30,55 MtCO2e, xấp xỉ 10,8% tổng phát thải CO2e ở Việt Nam [1]. Nhu cầu di chuyển/vận chuyển và tốc độ cơ giới hóa ngày càng cao khiến cho thách thức giảm phát thải KNK trong ngành GTVT ngày càng lớn.