Sự bùng nổ của quy mô đào tạo cũng như sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các cơ sở giáo dục đại học công lập gây nhiều khó khăn cho nhà nước trong vấn đề quản lý và chu cấp tài chính. Cơ chế quản lý phi tập trung hóa, phân cấp mạnh, giao cho các cơ sở đào tạo quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm, được coi là yếu tố nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học. Việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học công lập chính nhằm thúc đẩy sự phát triển hệ thống theo quy luật vận động của xã hội, tạo dựng thị trường giáo dục đào tạo có cạnh tranh lành mạnh, có sự định hướng rõ ràng của nhà nước và đảm bảo kiểm soát, giám sát về chất lượng một cách chặt chẽ từ ba phía: nhà nước, xã hội và người học. Song cơ chế đó khi vận hành cùng với hệ thống cơ chế, chính sách quản lý của nhà nước đã phát sinh nhiều khó khăn, thách thức cho các trường. Bài viết này đã đề cập vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm của giáo dục đại học hiện nay cần được xem xét trên hai phương diện cả về lý luận và thực tiễn nhằm đưa ra các giải pháp góp phần thực hiện đổi mới giáo dục đại học một cách hiệu quả.