Thực vật có mạch ở Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp qua nghiên cứu đã xác định được 426 loài, 295 chi, 107 họ, 66 bộ, 5 lớp thuộc 3 ngành
ngành Dương xỉ, ngành Thông, và ngành Ngọc lan. Trong đó, ngành Ngọc lan là đa dạng nhất và chiếm ưu thế nhất, với 408 loài, lớp Ngọc lan có 304 loài. Hệ thực vật rất đa dạng và phong phú. Giá trị sử dụng của thực vật có mạch được chia làm 10 nhóm chính, trong đó có 204 loài cây làm cảnh, 191 loài cây làm thuốc và 87 loài cây ăn được. Hệ thực vật nơi đây có 5 dạng thân chính: thân gỗ, thân thảo, thân bụi, dây leo và ký sinh, trong đó dạng thân thảo chiếm ưu thế với 205 loài. Đồng thời, hệ thực vật có 5 loài thực vật ngoại lai xâm hại là Mai dương, Trầm ổi, Cỏ tranh, Cúc xuyến chi và Lục bình. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu đã ghi nhận được 14 loài thực vật có giá trị bảo tồn cao đang bị đe dọa trên phạm vi quốc gia và quốc tế, trong đó có 3 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 13 loài trong Sách Đỏ thế giới IUCN (2017) và 3 loài trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP (2006). Nghiên cứu này góp phần quan trọng vào công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc.