Tục ngữ khái quát kinh nghiệm sống bằng những câu nói ngắn gọn, có vần, có nhịp, có hình ảnh. Có thể coi đây là thể loại có chức năng sinh hoạt thực hành triệt để nhất của văn học dân gian, bởi hầu như trong tình huống, hoàn cảnh nào, người ta cũng có thể vận dụng được tục ngữ. Trong quá trình tồn tại và phát triển, thể loại này không nhất thành bất biến mà có sự vận động, thay đổi theo thời gian. Đó là sự bổ sung, lý giải vấn đề theo những cách nhìn khác nhau. Một trong những biểu hiện của tính chất khả biến của tục ngữ là hiện tượng mượn câu gốc để hình thành nên một câu mới (chúng tôi tạm đặt là hiện tượng "nhại" tục ngữ). Tục ngữ nhại - qua khảo sát - thường sử dụng các phương thức như đồng âm, móc xích, trường liên tưởng, hô ứng và chệch âm. về nội dung phản ánh, nhóm tục ngữ này hướng vào cách đối nhân xử thế, xử lý những hiện tượng, vấn đề nảy sinh trong cuộc sống và cách đánh giá con người qua nhân tướng học. Trong bài viết này, thông qua phần khảo sát, chúng tôi sẽ tập trung lý giải những nội dung phản ánh đà nêu ở trên của nhóm tục ngữ nhại.