Nghiên cứu nhằm thành lập bản đồ thích nghi tự nhiên, kinh tế, và đề xuất vùng phát triển cho cây cao su và cà phê tại tỉnh Kon Tum sử dụng phương pháp hạn chế lớn nhất của FAO (Food and Agriculture Organization of the United Nations), phân tích lợi ích chi phí và Hệ thống Thông tin Địa lý (Geographic Information System-GIS). Dựa trên yêu cầu sinh thái của từng loại cây và điều kiện tự nhiên tại vùng nghiên cứu, các yếu tố được lựa chọn đánh giá gồm loại đất, tầng dày, độ cao, độ dốc, thành phần cơ giới, khả năng tưới, lượng mưa, độ ẩm, nhiệt độ, số tháng khô hạn, và số giờ nắng. Kết quả đánh giá thích nghi tự nhiên đối với cao su và cà phê cho thấy, trên 85% diện tích của tỉnh không thích nghi (do hạn chế về thổ nhưỡng, địa hình, và khí hậu), diện tích thích nghi kém chiếm dưới 15%, phân bố dọc theo các con sông lớn. Tuy nhiên, về khía cạnh kinh tế, trên 95% diện tích thích nghi tự nhiên có mức thích nghi kinh tế cao (Benefit/Cost-B/C >
2) đối với cao su, cà phê vối và trung bình (1 ≤ B/C ≤ 2) đối với cà phê chè. Đối chiếu với bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2005 và định hướng phát triển cao su và cà phê đến năm 2020, nhận thấy tiềm năng mở rộng diện tích hai loại cây này trên địa bàn tỉnh còn khá lớn. Từ kết quả nghiên cứu, cho thấy việc tích hợp phương pháp đánh giá đất đai của FAO, phân tích lợi ích chi phí và GIS giúp xác định nhanh chóng và chính xác vùng thích hợp phát triển nhóm cây công nghiệp lâu năm, qua đó hỗ trợ công tác quy hoạch không gian phát triển nhóm cây này theo đúng định hướng đã đề ra của tỉnh.