Hồ chứa nước là cơ sở hạ tầng để sử dụng tổng hợp tài nguyên nước (TNN) lưu vực sông (LVS), có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước cho con người, phục vụ phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường. Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam hiện có gần 7.000 hồ chứa, đập dâng lớn, nhỏ với tổng dung tích hơn 65 tỷ m3 , chiếm khoảng 8% tổng lượng nước trên các LVS
riêng hồ chứa thủy điện hiện có 800 hồ đã, đang và sẽ tiếp tục được xây dựng với tổng dung tích đạt khoảng 56 tỷ m3 nước. Bên cạnh những lợi ích như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, tham gia cắt giảm lũ, đảm bảo cấp nước cho hạ du... việc xây dựng các hồ chứa thủy lợi, thủy điện còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, đặc biệt là duy trì dòng chảy tối thiểu, chia sẻ nguồn nước không được xem xét, đánh giá rõ trong giai đoạn thiết kế xây dựng công trình. Do đó, đến giai đoạn vận hành, các công trình hồ chứa đã xảy ra những tranh chấp giữa các hộ sử dụng nước phía hạ lưu, gây tác động lớn đến chế độ dòng chảy sông, suối và các hệ sinh thái thủy sinh, điển hình như thủy điện Đăk Mi 4 chuyển nước từ thượng nguồn sông Vu Gia sang sông Thu Bồn hay thủy điện An Khê - Kanak chuyển nước từ thượng nguồn sông Ba sang sông Kone... đã gây ra nhiều mâu thuẫn, đồng thời tác động đến hoạt động khai thác, sử dụng nước phía hạ du. Ngoài ra, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay đã làm nảy sinh mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng TNN trên các LVS giữa các ngành, đối tượng sử dụng nước khác nhau. Vì vậy, bài toán đặt ra là phải phân bổ nguồn nước ở các hồ chứa lớn một cách hợp lý, đồng thời, phải quy định dòng chảy tối thiểu ra sao để đảm bảo tính bền vững trong khai thác, sử dụng TNN.