Vi khuẩn Aeromonas hydrophila là vi khuẩn gram âm, sử dụng hệ tiết loại III (T3SS). Đây là hệ tiết đóng vai trò quan trọng trong các tương tác của vi khuẩn với tế bào vật chủ, đặc biệt là quá trình xâm nhập vào tế bào vật chủ. Vi khuẩn A. hydrophila gây bệnh cho nhiều đối tượng sinh vật khác nhau, bao gồm cả người và thủy sản (đặc biệt là các vật nuôi có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam và thế giới như các loại cá, tôm, lưỡng cư). Protein chaperone AcrH có vai trò giúp translocator chính AopB và translocator phụ AopD tồn tại trong tế bào chất của A. hydrophila ở trạng thái ổn định trước khi chúng tham gia hình thành cấu trúc của T3SS. Các nghiên cứu trước đây mới chỉ phân tích được cấu trúc của protein AcrH ở dạng kết hợp với protein AopB, nhưng ở dạng không liên kết với protein AopB vẫn chưa được làm sáng tỏ. Điều này làm cho hiểu biết về cơ chế hình thành T3SS bị hạn chế. Do đó, mục đích của nghiên cứu là tinh sạch chaperone AcrH với độ tinh sạch cao, giúp phát triển nghiên cứu cấu trúc của protein này, góp phần làm sáng tỏ cơ chế hình thành kênh chuyển vị xuyên màng của T3SS ở vi khuẩn A. hydrophila cũng như ở nhiều vi khuẩn gram âm khác. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã thiết kế thành công vectơ biểu hiện pET-28a mang gen mã hóa cho chaperone AcrH từ axit amin 21 đến 158 và biểu hiện thành công trên chủng vi khuẩn E. coli BL21 (DE3). Protein tái tổ hợp AcrH được tinh sạch bằng phương pháp sắc ký ái lực sử dụng hạt niken với độ tinh sạch đạt trên 99%. Protein AcrH được tinh sạch với độ tinh sạch cao sẽ tiếp tục được sử dụng cho các nghiên cứu cấu trúc, góp phần hoàn thiện cơ chế gây bệnh của các vi khuẩn gram âm, từ đó có thể phát triển các nghiên cứu về cơ chế điều trị bệnh do các vi khuẩn này gây ra.