Sói rừng (Sarcandra glabra) có tác dụng rất lớn trong chữa trị bệnh ung thư và một số các bệnh khác như viêm phổi, viêm ruột thừa, tiêu chảy, bệnh thấp khớp... Tuy nhiên, do phát nương làm rẫy, cháy rừng cùng với việc khai thác chưa được quan tâm đúng mức đã và đang làm cho khu vực phân bố của loài bị thu hẹp và trữ lượng của loài bị suy giảm một cách nghiêm trọng. Do đó, cần có những biện pháp bảo tồn hữu hiệu. Nghiên cứu nhân giống Sói rừng bằng phương pháp nuôi cấy mô kết quả cho thấy: giai đoạn tạo mẫu sạch khử trùng mẫu chồi bằng HgCl 0,1% với thời gian 3,5 phút (25,6% mẫu sạch nảy chồi sau 6 tuần). Khử trùng mẫu hạt bằng Javen 5% với thời gian 30 phút (88,9% mẫu sạch nảy mầm sau 8 tuần). Môi trường MS + 1,5 mg/1 BAP + 0,2 mg/1 Kinetin + 0,2 mg/1 NAA thích hợp nhất để tạo cụm chồi (tỷ lệ tạo cụm chồi 91,1%, 11 chồi/cụm, chiều cao chồi trung bình 0,78 cm). Môi trường MS + 0,3 mg/1 BAP + 0,2 mg/1 Kinetin + 0,2 mg/1 NAA là phù hợp để kích thích tăng trưởng chồi (chiều cao chồi đạt 3,03 cm, số chồi hữu hiệu đạt 3,29 chồi/mẫu, chồi có chất lượng tốt). Môi trường MS + 0,7 mg/1 IBA thích hợp để ra rễ chồi in vitro (tỷ lệ chồi ra rễ 90%, 4,3 rễ/chồi, chiều dài rễ trung bình 3,2 cm, thời gian rễ bắt đầu hình thành là 18 ngày, rễ có chất lượng tốt). Giá thể gồm đất tầng B và đất trồng rau hữu cơ của Công ty TNHH Thủy Cam theo tỉ lệ 2:1 thích hợp để ra ngôi cây mô Sói rừng (với tỉ lệ cây sống đạt 94,4% và lượng tăng trưởng chiều cao đạt 1,99cm/tháng).