Nghiên cứu được thực hiện tại thị trấn Thứ Ba và xã Nam Thái A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang nhằm phân tích hiệu quả kinh tế và các yếu tố ảnh hưởng đến các mô hình canh tác. Từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân vùng bị xâm nhập mặn. Kết quả phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy mô hình tôm - cua - màu đạt lợi nhuận cao nhất, kể đến là mô hình chuyên tôm và tôm - lúa và cuối cùng là hai vụ lúa. Phân tích hồi quy đa biến cho thấy bốn yếu tố là chi phí sản xuất, diện tích canh tác, năng suất và trình độ kiến thức nông nghiệp đều ảnh hưởng đến thu nhập của người dân với hệ số R² từ 0,54 đến 0,86. Trong đó, trình độ kiến thức có thể là yếu tố quan trọng vì yếu tố này tác động đến chi phí sản xuất và năng suất, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Phân tích SWOT cho thấy tác động của xâm nhập mặn có những khó khăn thách thức, nhưng xâm nhập mặn có tác động tích cực trong chuyển đổi mô hình canh tác đạt hiệu quả kinh tế cao so với mô hình canh tác truyền thống hai vụ lúa. Hiệu quả này càng cao nếu có được chiến lược phát triển, chính sách và giải pháp hỗ trợ, thích nghi.