Giới thiệu kết quả xây dựng bộ chỉ số đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu ở cấp độ hộ nuôi trồng và áp dụng đo lường tính dễ bị tổn thương của các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở tỉnh Bến Tre. Dữ liệu được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp 170 hộ nuôi tôm ở ba huyện ven biển: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Chỉ số dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu được đề xuất dựa trên cách tiếp cận của IPCC (2007), bao gồm ba yếu tố: sự phơi lộ, sự nhạy cảm và khả năng thích ứng. Chỉ số phát triển con người (HDI) của UNDP (2006) được sử dụng để chuẩn hóa các biến số và phương pháp trọng số không bằng nhau của Iyengar và Sudarshan (1982) được sử dụng để tính toán chỉ số dễ bị tổn thương. Bộ chỉ số đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của các hộ nuôi tôm được thiết lập gồm 3 chỉ số chính. 14 chỉ số phụ và 45 biển số. Kết quả định lượng chi số dễ bị tổn thương của từng hộ nuôi tôm có giá trị nằm trong khoảng 0,40 đến 0,66 với giá trị trung bình là 0,53. Khoảng 8% số hộ nuôi tôm được khảo sát có chỉ số dễ bị tổn thương cao trong khi đa số có chỉ số dễ bị tổn thương trung bình (92%). Kết quả nghiên cứu góp phần hỗ trợ việc lập kế hoạch và thực hiện các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu cho ngành nuôi tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Bến Tre.