Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của áp dụng tiết kiệm nước tưới đến sự sinh trưởng và năng suất lúa trên nền đất phù sa không bồi tại huyện Châu Thành A và trên nền đất phù sa nhiễm mặn nhẹ tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, từ đó đề xuất áp dụng tiết kiệm nước tưới trên diện rộng giúp thích ứng với điều kiện khô hạn, xâm nhiễm mặn trong mùa không và giảm chi phí bơm tưới trong canh tác lúa. Mô hình được bố trí trên diện rộng với diện tích 1.000m²/mô hình, gồm hai mô hình: tiết kiệm nước tưới và tưới ngập liên tục theo nông dân. Mô hình được thực hiện liên tiếp hai vụ vào mùa khô và đầu mùa mưa. Tại mỗi huyện, mô hình được thực hiện trên hai xã, mỗi xã thực hiện với ba ruộng liền kề nhau tương ứng với ba lần lặp lại. Các chỉ tiêu theo dõi bao gồm: chiều cao cây, số chồi hữu hiệu ở các giai đoạn phát triển cực trọng của cây lúa. Năng suất lúa được thu vào cuối vụ để đánh giá ảnh hưởng của áp dụng tiết kiệm nước tưới so với ngập liên tục theo nông dân. Kết quả 2 vụ thử nghiệm cho thấy, trên nền đất phù sa không bồi tại huyện Châu Thành A có thể áp dụng tiết kiệm nước tưới ở cả hai vụ đông xuân và xuân hè, trên nền đất phù sa nhiễm mặn nhẹ tại huyện Long Mỹ có thể áp dụng tiết kiệm nước tưới ở vụ đông xuân giúp giảm lượng nước tưới và duy trì năng suất lúa so với tưới ngập liên tục.