Thông tin thuốc (TTT) thuộc lĩnh vực dược lâm sàng, TTT có mặt ở rất nhiều dạng, dưới hình thức bản in cũng như bản lưu điện tử, nên dễ tiếp cận hơn, bác sĩ và dược sĩ có đầy đủ thông tin về thuốc gốc và biệt dược, chỉ định và chống chỉ định, thuốc sử dụng trong điều trị cùng với các lựa chọn thay thế, chú ý trước khi sử dụng thuốc, tương tác thuốc, tác dụng phụ, dạng thuốc và hiệu quả của dạng thuốc đó, giá thành điều trị. Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá tình hình hoạt động và các nhu cầu về TTT của cán bộ y tế (CBYT) tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ năm 2020. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu thực hiện bằng phương pháp mô tả cắt ngang có phân tích trên đối tượng là các CBYT có trình độ chuyên môn từ trung học trở lên đang làm công tác chuyên môn tại khoa lâm sàng Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ. từ 06/2020 đến 12/2020. Kết quả: Khảo sát 146 cán bộ y tế tại 7 khoa chuyên môn, trong đó nam giới có 69 cán bộ, nữ giới là 77 cán bộ, có 68 bác sĩ tham gia nghiên cứu chiếm 46,6 % trong mẫu nghiên cứu và 78 điều dưỡng tham gia nghiên cứu 53,4% mẫu nghiên cứu, nhiều nhất là khoa hồi sức cấp cứu 29 cán bộ (19,9%) và khoa hồi sức tích cực-chống độc 33 cán bộ (22,6%), khoa Gây mê hồi sức 21 cán bộ (14,4%). Đa số các CBYT đều đánh giá mức độ đáp ứng TTT là bình thường và tốt chiếm 94,4%, Thời gian cán bộ cập nhật và phản hồi thông tin thuốc mỗi ngày chiếm 41,8%, Hình thức trao đổi TTT chủ yếu dựa vào sách báo, tạp chí chuyên ngành chiếm 49,3% và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc 47,9%, mức độ cần thiết của TTT đối với công việc, trong đó mức độ rất cần thiết ở bác sĩ chiếm 46,7% và ở điều dưỡng 53,3%. Kết luận: Mức độ đáp ứng TTT tốt chiếm 58,9%, bình thường 35,5% và chưa tốt 5,6%. TTT dùng qua tài liệu phát tay chiếm 55,5%, giao ban chiếm 52,7%. Mức độ rất cần thiết về nhu cầu trung tâm cung cấp TTT chiếm 70,5%, cần thiết 29,5%. Hình thức trao đổi TTT qua sách báo, tạp chí chuyên ngành 49,3%, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc 47,9%. Mức độ cần thiết của TTT cho công việc ở bác sĩ 46,7%, điều dưỡng 53,3%