Ba hồ đại diện ở thành phố Đà Nẵng (Hồ Xanh, hồ Công Viên 29-3 và hồ Bàu Sấu) được lựa chọn để lấy mẫu và phân tích các thông số chất lượng nước: nhiệt độ, pH, DO, độ trong, TDS, COD, BOD5, TN, NH4+, NO3-, NO2-, TP, PO43-, chlorophyll- a (Chl-a) và tổng coliform trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2019. Các kết quả cho thấy, mức ô nhiễm các chất hữu cơ (BOD5, COD) và các chất dinh dưỡng (NH4+, NO2-, TN, PO43-, TP) ở hồ Bàu Sấu và Công Viên 29-3 cao hơn so với Hồ Xanh
Nồng độ Chl-a trong các hồ cũng khá cao, khoảng 7 - 312 µg/L, biểu hiện của sự phú dưỡng. Đối với cả 3 hồ, photpho (P) là yếu tố quyết định sự phú dưỡng (76 % trường hợp có tỷ số TN/TP ≥ 6). Tình trạng phú dưỡng ở các hồ được đánh giá dựa vào chỉ số dinh dưỡng Carlson (TSI) và Wollenweider (TRIX): hồ Bàu Sấu và Công viên 29-3 đang ở mức siêu phú dưỡng (các giá trị TSI tương ứng là 78 - 81 và 67 - 76, các giá trị TRIX tương ứng là 10 - 11 và 9 - 10)
riêng Hồ Xanh ở mức phú dưỡng trung bình - phú dưỡng với TSI = 49 - 64 và TRIX = 6 - 7. Tương quan giữa chỉ số TSI, TRIX và các thông số chất lượng nước cũng được đánh giá. Giữa TSI và TRIX có tương quan tuyến tính chặt với hệ số tương quan 0,95 (p <
0,01).