Nghiên cứu thực hiện nhằm chẩn đoán dạng tổn thương đường mật và đánh giá kết quả điều trị với các phương pháp xử trí trong tổn thương đường mật do cắt túi mật bằng phẫu thuật nội soi. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Hồi cứu-tiến cứu hồ sơ của các trường hợp cắt túi mật nội soi từ 01/1999 - 6/2020. Những trường hợp tổn thương đường mật được ghi nhận nhằm đánh giá hình thái tổn thương theo phân loại của Bismuth-Corlette, đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng và các phương pháp phẫu thuật sửa chửa tổn thương. Kết quả: 21/6000 trường hợp (t/hợp) (0,35%) tổn thương đường mật trong cắt túi mật nội soi được phát hiện. Có 23,8% các trường hợp tổn thương được phát hiện ngay trong quá trình phẫu thuật. Dạng tổn thương bao gồm: cắt ngang hoàn toàn ống mật chủ hay ống gan chung, kèm mất tổ chức chiếm tỷ lệ cao nhất với 47,6%, tổn thương cắt bán phần ống mật chủ hay ống gan chung gặp 4 trường hợp chiếm 19,1%, tổn thương ống gan gặp 1 trường hợp chiếm 4,7%. Xử trí tổn thương đường mật gồm: khâu đường mật, dẫn lưu Kehr 4 t/hợp
nối OMC-hỗng tràng Roux-en-Y 6 t/hợp
nối ống gan-hỗng tràng Roux-en-Y 9 t/hợp
cắm lại ống gan T&P trên quai hổng tràng kiểu Roux en Y 2 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp cắt gan phải do hoại tử. Kết luận: Tổn thương đường mật trong cắt túi mật nội soi là một biến chứng hiếm gặp (0,35%) nhưng nặng nề, việc phát hiện và phẫu thuật sớm cho lại kết quả tốt. Phẫu thuật nối mật ruột kiểu Roux en Y thường được lựa chọn với tính hiệu quả và an toàn cao. Các yếu tố thời điểm phát hiện tổn thương, loại và mức độ tổn thương đường mật, tình trạng bệnh nhân và kinh nghiệm phẫu thuật viên là những yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả điều trị bằng phẫu thuật.