Chất lượng hạt giống sâm Ngọc Linh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm và tỷ lệ hình thành cây giống. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành đánh giá sự biến đổi kích thước của hạt sâm Ngọc Linh và mối quan hệ giữa khối lượng hạt với khả năng nảy mầm
cũng như nghiên cứu cấu trúc, sự phát triển của phôi và quá trình nảy mầm của hạt. Để đánh giá chất lượng hạt giống, tổng số 2.000 hạt sâm Ngọc Linh đã được thu thập từ các cây mẹ 6 năm tuổi trồng dưới tán rừng tại tỉnh Kon Tum. Kết quả nghiên cứu đã xác định được tần suất phân bố hạt theo khối lượng, chiều dài, chiều rộng và độ dày. Giữa khối lượng hạt và chiều dài, chiều rộng và khối lượng hạt có mối quan hệ tuyến tính thuận. Khối lượng hạt ảnh hưởng đến tốc độ nứt vỏ, tỷ lệ nảy mầm hình thành cây con, nhưng không ảnh hưởng đến tỷ lệ nứt vỏ. Hạt có khối lượng ≥ 50mg cho tỷ lệ nảy mầm hình thành cây con cao nhất đạt 96,17 ± 3,62%. Phôi hạt (quả chín đỏ) sau thu hoạch vẫn chưa phát triển hoàn toàn, kích thước trung bình đạt 0,81 ± 0,08mm. Sau 60 ngày phân tầng, phôi hạt phát triển hoàn toàn gồm: lá mầm, trụ dưới lá mầm, và rễ mầm, chiều dài trung bình đạt 7,05 ± 0,95mm. Hạt sâm Ngọc Linh có phương thức nảy mầm dưới lòng đất.