Khảo sát đặc điểm hình ảnh siêu âm các khối u tinh hoàn ở trẻ em được phẫu thuật và giá trị của siêu âm u tinh hoàn gợi ý lành tính và ác tính. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Báo cáo loạt ca, bệnh nhi có siêu âm chẩn đoán u tinh hoàn được can thiệp phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Kết quả: Từ tháng 01/2016 đến tháng 05/2021, chúng tôi có 62 bệnh nhân u tinh hoàn được đưa vào lô nghiên cứu. Tuổi trung bình 39,84 ± 38,35 tháng. Tuổi nhỏ nhất là 2 tháng và lớn nhất là 151 tháng. Nhóm tuổi <
1 tuổi chiếm tỷ lệ nhiều nhất 48,4%. Lý do vào viện cao nhất là phát hiện khối ở bìu chiếm 71,0%. Bìu to chiếm tỷ lệ cao 69,4%. Tỷ lệ các loại u thường gặp: u túi noãn hoàng chiếm 40,3%, u quái 30,6%, nang thượng bì 16,1%, u tế bào Leydig 3,2%, u tế bào Sertoli 1,6%, Lymphoma 1,6%, các loại khác 6,5%. Các dấu hiệu siêu âm ghi nhận: khối u giới hạn ở tinh hoàn với 61 trường hợp, chiếm 98,4%, độ hồi âm hỗn hợp 34 trường hợp (54,8%), thành phần nang 31 trường hợp (50%), nốt vôi hóa với 31 trường hợp (50%), dấu hiệu tăng tưới máu khối u chiếm 56,9%. So sánh kết quả siêu âm và giải phẫu bệnh chúng tôi ghi nhận: Giá trị chẩn đoán của siêu âm ở mức tốt để phát hiện khối u quái, độ nhạy 100% (KTC 95%: 82,3- 100%), độ đặc hiệu 72% (KTC95%: 56,33-84,67%). Trong chẩn đoán khối u túi noãn hoàng ở mức rất tốt, có độ nhạy 92% (KTC 95%: 73,97-99,02%), độ đặc hiệu 94,59% (KTC95%: 81,81-99,34%). Kết luận: U tinh hoàn là một bệnh lý hiếm gặp ở trẻ em, trẻ em bị u tinh hoàn có tỷ lệ sống sót lâu dài rất tốt sau khi được điều trị thích hợp nên việc chẩn đoán chính xác rất quan trọng. Siêu âm là biện pháp hữu hiệu để xác định những khối u tinh hoàn. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định vị trí, nhận diện và đánh giá tổn thương, mô tả đặc điểm của một khối u qua đó xác định nguồn gốc, mức độ ác tính, xâm lấn góp phần giúp ích cho quá trình điều trị.