Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu thực nghiệm về đặc tính cường độ vật liệu đất trộn xi măng và tro bay được ứng dụng để xử lý nền đất yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo phương pháp gia cố toàn khối. Có hai tổ hợp mẫu được quy hoạch thực nghiệm: Tổ hợp 1 thực hiện cho cấp phối đất sét trộn xi măng với các hàm lượng xi măng (C): 10-15-20-25-30% theo khối lượng để đúc mẫu
tổ hợp 2 quy hoạch thực nghiệm cho các hàm lượng xi măng (C) 10-20-30% trộn cho các tỷ lệ tương ứng của 10-20-30% tro bay (F). Có tổng cộng 5 cấp phối cho cọc đất xi măng (CDM) và 9 cấp phối cho hỗn hợp vật liệu cọc đất gia cố xi măng và tro bay (CFDM) với tổng số lượng 168 mẫu. Mẫu được dưỡng hộ trong điều kiện tiêu chuẩn và nén nở hông (UCS) ở các mốc thời gian 7-14-21-28 ngày. Kết quả được phân tích ảnh hưởng các hàm lượng vật liệu xi măng, tro bay đến cường độ ucs. Đồng thời, ứng dụng phương pháp PCA (Principle Component Analysis) phân tích dữ liệu và hồi quy tuyến tính để xây dựng phương trình xác định cường độ ucs, hàm lượng xi măng, hàm lượng tro bay của vật liệu đất được gia cố.