Sốt là một trong những dấu hiệu lâm sàng rất thường gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau trong suốt thời kỳ thơ ấu. Sốt cao ở trẻ em nếu không được xử trí kịp thời có thể xảy ra các hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ như co giật. Chính vì vậy, việc truyền thông giáo dục sức khoẻ, nâng cao nhận thức của phụ huynh về cách nhận biết và xử trí khi trẻ bị sốt là rất quan trọng và cần thiết. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định hiệu quả của chương trình truyền thông giáo dục sức khoẻ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp cắt ngang mô tả tiến cứu trên 130 đối tượng là người trực tiếp chăm sóc trẻ có sốt tại Khoa Nội Nhi - Bệnh viện Sản Nhi Trà Vinh. Kết quả: Sau truyền thông tỷ lệ phụ huynh có kiến thức chung về thân nhiệt cao gấp 7,3 lần so với trước truyền thông (35,4% so với 6,9%), điểm số trung bình kiến thức chung về xử lý sốt tăng từ 24,4±4,1 lên 32,4±3,4, điểm số trung bình quan điểm chung về xử lý sốt tăng từ 44,4±5,4 lên 61,0±8,6, điểm số trung bình hành vi chung về xử lý sốt tăng từ 66,8±7,6 lên 89,3±10,4 và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<
0,001. Kết luận: Sau truyền thông nhìn chung kiến thức, quan điểm, hành vi về xử trí sốt của thân nhân bệnh nhi đều tăng.