Đèo Hải Vân nằm giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng - hai địa phương đã phát triển rất nhanh chóng trong vòng 20 năm qua, tạo nên một trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội ở miền Trung Việt Nam. Địa hình, địa vật rất phong phú và đa dạng chính là yếu tố thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, các dự án du lịch hiện nay còn mang tính tự phát và đơn lẻ, chưa khai thác được hết tiềm năng của khu vực. Với địa hình có cả núi và biển, phía Tây tiếp giáp dãy Trường Sơn và phía Đông có khoảng 60km bờ biển, đèo Hải Vân có nhiều khung cảnh đẹp với tiềm năng phát triển du lịch lớn. Giao thông chính qua đèo là cung đường bộ (quốc lộ 1A cũ) và cung đường sắt Bắc - Nam nối ga Lăng Cô (thuộc Thừa Thiên - Huế) và ga Kim Liên (thuộc Đà Nẵng). Từ năm 2005, khi có hầm đường bộ Hải Vân, thì cung đường bộ vượt đèo không còn quá tải các phương tiện giao thông và trở thành một tuyến tham quan, trải nghiệm. Bài viết này trình bày một số nghiên cứu khảo sát kiến trúc cảnh quan tại khu vực đèo Hải Vân (của nhóm nghiên cứu Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng Miền Trung) nhằm đề xuất các biện pháp khai thác, phát huy giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.