Di tích lịch sử văn hóa đình Giàn thuộc phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, các tư liệu, di vật hiện còn cũng như những truyền thuyết của dân làng cho thấy di tích đình Giàn có niên đại ra đời từ rất sớm. Tuy nhiên, trong cả thời gian dài tồn tại, đình đã nhiều lần được tu sửa và mở rộng, văn bia hiện còn chỉ cho biết thời gian tu bổ trong thời Nguyễn. Theo thần tích của làng, Thành hoàng làng Cáo Đỉnh được thờ trong Đình là tướng quân Lý Phục Man. Về sau, do có công bình giặc Phục Man, vua lại ban cho quốc tính nên gọi là Lý Phục Man. Nhà vua đã thăng cấp Thiếu uý và cho làm quan đầu triều. Sau đó, một lần giao chiến với quân Chiêm Thành, bị tấn công bất ngờ nên quân của Lý Phục Man bị bao vây, lương thực thiếu thốn, không có quân tiếp viện nên ông đã tự vẫn. Gia nhân vô cùng thương xót nên mang thi hài Lý Phục Man về an táng ở làng Yên Sở, bên Hồ Mã. Theo truyền thuyết của dân làng Giàn, nhân vớt được cây gỗ quý trôi dạt đến, người ta đã dùng nó để xây Đình và tới Yên Sở xin tôn hiệu, bài vị của thần về thờ, tôn làm thành hoàng của làng. Từ đó, hai làng có liên hệ mật thiết qua những ngày hội làng để tưởng nhớ tướng quân Lý Phục Man.