Kháng vancomycin đã làm dấy lên mối lo ngại về triển vọng hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nhiễm khuẩn Gram dương. Nghiên cứu được thực hiện tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai từ tháng 3/2019 đến tháng 6/2019. Phương pháp: Nghiên cứu hồi cứu để đánh giá việc kê đơn và sử dụng vancomycin tại bệnh viện. Kết quả được xác định và biểu thị bằng các liệu trình vancomycin trên 98 bệnh nhân nhập viện. Thông tin về bệnh nhân được thu thập bao gồm: nhân khẩu học, căn nguyên và vị trí của nhiễm trùng, dữ liệu vi sinh, chế độ liều lượng, cách dùng và thời gian điều trị, độc tính trên thận của vancomycin. Kết quả: Tuổi trung bình và thời gian điều trị vancomycin lần lượt là 56 tuổi và 9 ngày. Nhiễm trùng da mô mêm (44%) là nguyên nhân phổ biến nhất. Can thiệp y tế chủ yếu là thở máy (28,6%). Số lượng bệnh nhân có kết quả khỏi, đỡ, giảm chiếm tỉ lệ cao (66,3%). Chế độ liều nạp được áp dụng ở 13,3 % bệnh nhân với liều nạp theo cân nặng 25,6mg/kg. Đa số bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu dùng chế độ liều ban đầu 1g/12 giờ (78,6%) khi chức năng thận bình thường. 100% bênh nhân được sử dụng đường truyền tĩnh mạch ngắt quảng, 96,9% trường hợp có dung môi pha truyền hợp lý, 100% phù hợp về thời gian truyền và 63,2% phù hợp về nồng độ truyền. 7 bệnh nhân có sự thay đổi creatinine huyết thanh (tăng >
50% so với giá trị ban đầu), đều xuất hiện ít nhất sau 7 ngày, muộn nhất sau 14 ngày sử dụng vancomycin. Kết luận: Cần có các chương trình toàn diện để cải thiện việc sử dụng vancomycin trong các bệnh viện. Việc sử dụng Vancomycin nên được theo dõi để tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.