Định danh loài hiện nay ngoài những phương pháp truyền thống như dựa vào các đặc điểm hình thái, sinh lí, sinh hóa thì phương pháp định danh bằng sinh học phân tử cũng được sử dụng rất hiệu quả. Trong đó, ADN mã vạch là một phương pháp định loại phân tử được sử dụng để hỗ trợ định danh hay giám định các loài động vật và thực vật khó nhận dạng về hình thái hay các mẫu vật đã qua chế biến. Ở thực vật, các trình tự ADN được sử dụng làm mã vạch trong giám định hay phân loại thường là các trình tự nucleotide thuộc hệ gen lục lạp và hệ gen nhân, bao gồm cả vùng mã hóa và vùng không mã hóa. Trong nghiên cứu này, ba vùng ADN mã vạch là rcbL, ITS và trnH-psbA được sử dụng để đánh giá khả năng phân biệt loài Râu mèo (Orthosiphon aristatus (Blume.) Miq.). Kết quả nhân bản PCR, giải trình tự nucleotide, phân tích, và so sánh các trình tự ADN mã vạch ở loài Râu mèo với các loài cùng thuộc chi Orthosiphon cho thấy vùng gen ITS có mức độ tương đồng cao nhất với loài Orthosiphon aristatus trên ngân hàng gen quốc tế (100%). Tiếp đến là trình tự nucleotide vùng gen trnH-psbA với 99,74% và cuối cùng là rbcL với 99,31%. Sơ đồ hình cây thể hiện mối quan hệ phát sinh loài cho thấy mẫu Râu mèo nghiên cứu tương đồng cao nhất với loài Orthosiphon aristatus, kết quả này cũng tương tự như kết quả giám định các mẫu Râu mèo dựa trên hình thái. Từ kết quả này cho thấy việc sử dụng các trình tự ADN mã vạch để giám định loài ở cấp độ phân tử là rất hiệu quả, sử dụng riêng rẽ từng trình tự ADN mã vạch hay kết hợp nhiều trình tự đều có khả năng định danh loài. Tuy nhiên, việc sử dụng kết hợp một số trình tự ADN mã vạch với nhau sẽ làm tăng độ tin cậy của kết quả giám định.