Vườn Quốc Gia U Minh gồm khu vực VQG U Minh Thượng (UMT, Kiên Giang) và U Minh Hạ (UMH, Cà Mau) với hệ sinh thái đặc biệt của rừng tràm úng phèn là nơi cư trú của nhiều loài cá nước ngọt. Nghiên cứu này nhằm đánh giá thành phần loài cá phân bố ở khu vực xung quanh hay còn gọi là vùng đệm UMT và UMH. Sau thời gian thu mẫu (từ 09/2017 đến 08/2019), kết quả đã ghi nhận được 54 loài cá thuộc 40 giống, 23 họ và 10 bộ phân bố ở khu vực UMT và 31 loài cá thuộc 22 giống, 13 họ và 6 bộ phân bố ở UMH. Cả hai khu vực đều có thể hiện sự đa dạng về số loài trong bộ cá chép (Cypriniformes) và bộ cá vược (Perciformes). Tuy nhiên, khu vực UMT có sự phong phú và đa dạng hơn về số lượng và thành phần loài cá so với khu vực UMH, cụ thể là có 4 bộ, 10 họ và 20 giống cá chỉ xuất hiện ở khu vực UMT với đại diện các loài cá như cá ba kì đỏ, cá cơm, cá chạch khoang, cá sơn bầu,... Ngược lại, hai loài cá tráo và cá sơn xiêm chỉ xuất hiện ở UMH nhưng không thu được ở UMT. Sự khác biệt trên có thể do sự khác nhau về trao đổi nước ngọt giữa khu vực trong và ngoài vườn quốc gia cũng như mức độ nhiễm phèn ở cả hai khu vực nghiên cứu.