Khiếm khuyết chức năng khớp vai là một vấn đề thường gặp sau phẫu thuật đoạn nhũ và các biện pháp điều trị bổ trợ trong ung thư vú. Khiếm khuyết này ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của bệnh nhân. Do đó, chúng tôi muốn đánh giá kết quả can thiệp phục hồi chức năng khớp vai và xác định một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả này trên bệnh nhân sau điều trị ung thư vú. Đối tượng - Phương pháp: Chúng tôi áp dụng các biện pháp phục hồi chức năng trên 45 ca bệnh nhân sau phẫu thuật đoạn nhũ do ung thư vú giai đoạn I, II, III theo TNM tại khoa Tuyến vú Bệnh viện Chợ Rẫy từ 7/2019 đến 7/2020. Các biện pháp bao gồm: tư vấn phòng ngừa phù bạch huyết, hướng dẫn các tư thế kê cao chi giảm sưng phù sau mổ, tập vận động trợ giúp, tập vận động có kháng lực, kéo dãn, di động mô mềm, ... Kết quả: Sau can thiệp 45 ca bệnh nhân nữ sau phẫu thuật đoạn nhũ do ung thư vú giai đoạn I, II, III theo TNM tại khoa Tuyến vú Bệnh viện Chợ Rẫy từ 7/2019 đến 7/2020. Chúng tôi ghi nhận có sự cải thiện có ý nghĩa về tầm vận động trước/sau can thiệp gấp vai (65,44o/157,33o), dạng vai (56o/151o), xoay trong (33,22o/72,22o), xoay ngoài (33,11o/67,22o), sức cơ dạng vai đã tăng từ 2,71 lên 4,64 và điểm đau giảm từ 5,26 xuống 0,8 có ý nghĩa. Khiếm khuyết chức năng vai giảm từ 43,36 xuống 20,76 và chất lượng cuộc sống cải thiện 41,61 lên 64,27 có ý nghĩa. Kết luận: Can thiệp phục hồi chức năng mang lại hiệu quả giảm đau, cải thiện tầm vận động, tăng sức cơ, cải thiện chức năng vai và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân sau điều trị ung thư vú.