Công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay đã và đang đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước phát triển, ổn định, uy tín của đất nước trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo bậc đại học nói chung và chất lượng giảng dạy Triết học Mác - Lênin nói riêng là yêu cầu khách quan nhằm xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Giảng dạy Triết học Mác - Lênin ở các trường đại học ở nước ta hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong việc truyền thụ, giáo dục quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến với người học. Đồng thời, hình thành nên ở người học những phẩm chất nhân cách tốt đẹp về chính trị, đạo đức, lối sống, hướng đến những giá trị chân, thiện, mĩ, tạo nên những cán bộ vừa "hồng" vừa "chuyên" cho đất nước. Để Triết học Mác - Lênin thực sự trở thành môn học có sức hấp dẫn, lôi cuốn, đạt được mục đích yêu cầu đề ra, người thầy phải là người đồng hành tích cực hướng dẫn, giúp đỡ người học trong suốt tiến trình môn học.