Đánh giá kết quả và kinh nghiệm trong việc can thiệp nội mạch điều trị túi phình tuần hoàn sau tại trung tâm Điện Quang, bệnh viện Bạch Mai. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu và tiến cứu được tiến hành trên 95 bệnh nhân phình động mạch não (PĐMN) tuần hoàn sau và chỉ định can thiệp điều trị với 95 phình tuần hoàn sau tại Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2022. Kết quả: Tỷ lệ PĐMN vỡ trong nhóm nghiên cứu là 73 phình (chiếm 76,8%) và chưa vỡ là 22 phình (chiếm 23,2%). Đau đầu là triệu chứng gặp phổ biến ở 100% bệnh nhân. Các PĐMN vỡ đều có tỉ lệ chảy máu dưới nhện theo Fisher ở mức III và IV chiếm lần lượt 15,1% và 83,5%. 100% PĐMN chưa vỡ được can thiệp chủ động. Nhóm PĐMN vỡ có thời gian điều trị trung bình là 11,72±9,66 ngày. Túi phình tắc hoàn toàn sau can thiệp cao (từ 78,3% của nhóm VXKL có chẹn bóng đến 100% của nhóm nút tắc mạch mang). Còn dòng chảy tại cổ túi có 9,5% ở nhóm VXKL trực tiếp, 21,7% ở nhóm có chẹn bóng. Tỷ lệ tắc không hoàn toàn sau can thiệp thấp (ở nhóm VXKL 9,5%). Hồi phục lâm sàng theo thang điểm mRS nhóm PĐMN chưa vỡ (95,6%) cao hơn so với nhóm vỡ (75,2%. Kết luận: Can thiệp nội mạch là phương pháp hiệu quả trong điều trị phình động mạch vòng tuần hoàn sau.