Sữa mẹ cung cấp sự khởi đầu tốt nhất cho cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Đặc biệt là sữa non, nguồn sữa được hình thành trong thai kỳ và kéo dài cho tới 5 - 7 ngày sau sinh, chứa nhiều Vitamin và kháng thể giúp trẻ chống lại các nguy cơ về bệnh tật và làm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo rằng, có khoảng 77 triệu trẻ sơ sinh trên toàn cầu không được bú sữa mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Tại Việt Nam, tỷ lệ cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh còn thấp, khoảng từ 54% - 61%. Nghiên cứu được tiến hành nhằm mô tả thực trạng cho con bú sớm và phân tích một số yếu tố liên quan đến cho con bú sớm của các bà mẹ sinh con tại Bệnh viện Đại học Tây Nguyên năm 2022. Đây là Nghiên cứu cắt ngang, 206 bà mẹ sinh con tại Bệnh viện Đại học Tây Nguyên từ 03/01/2022 - 31/3/2022 được phỏng vấn dựa trên phiếu phỏng vấn có cấu trúc. Các bà mẹ cũng được quan sát về thực hành cho con bú trong 1 giờ đầu. Số liệu được làm sạch và phân tích với phần mềm SPSS 20.0. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bà mẹ cho con bú sớm là 77,7%. Nhóm bà mẹ dưới 30 tuổi, là công nhân viên chức, có sự chăm sóc, hỗ trợ từ chồng/người thân hay nhận được thông tin bú sớm từ nhân viên y tế (NVYT) có khả năng cho bú sớm cao hơn các nhóm còn lại. Từ kết quả này, Bệnh viện cần duy trì các hoạt động tư vấn về NCBSM, chú trọng các vấn đề liên quan đến bú sớm cho tất cả các thai phụ.