Nghiên cứu nhằm khảo sát tình trạng gãy dụng cụ trong sửa soạn ống tủy ở hệ thống trâm Protaper quay tay. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu in vitro được thực hiện trên 50 ống tủy gần (bao gồm cả ngoài gần và trong gần) của chân gần răng cối lớn hàm dưới ở người trưởng thành, chân răng nguyên vẹn, đã đóng chóp, có ống tuỷ cong trong khoảng 10º-40º theo phương pháp Schneider 1971. Các ống tủy gần được sửa soạn tới dụng cụ F3. Mỗi bộ protaper sẽ được thao tác cho đến khi có dụng cụ trong bộ đang thực hiện bị gãy. Số lượng ống tủy đã được thao tác ở mỗi bộ sẽ được ghi nhận.Răng có chứa mảnh gãy sẽ được phân tích qua phim Cone Beam Computed Tomography Scan (CBCT) để xác định độ dài mảnh gãy, đồng thời xác định tương quan của mảnh gãy với chóp răng và miệng lỗ tủy. Kết quả: Số lượng ống tủy được sửa soạn tối đa là 10±2.7 ống tủy. Chiều dài mảnh gãy trung bình là 2.13±1.26mm. Khoảng cách trung bình từ đỉnh mảnh gãy tới chóp răng là 3.09±1.60mm. Khoảng cách trung bình từ đầu mảnh gãy tới miệng ống tủy là 5.97±1.84mm. Dụng cụ có suất độ gãy nhiều nhất là trâm S1. Kết luận: Khả năng gãy ở hệ thống trâm Protaper quay tay xảy ra khi dụng cụ đã sứa soạn 10±2.7 ống tủy. Không có dụng cụ nào bị gãy trong lần sửa soạn đầu tiên. Dụng cụ có suất độ gãy nhiều nhất là trâm S1. Khi sự cố gãy dụng cụ xảy ra, chiều dài mảnh gãy trung bình là 2.13±1.26mm. Mảnh gãy thường có xu hướng nằm gần về phía chóp răng hơn là phía miệng ống tủy.