Bệnh nhân Parkinson có nhiều triệu chứng vận động và ngoài vận động, không những làm tăng nhu cầu năng lượng mà còn giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, năng lượng. Điều này dẫn đến bệnh nhân Parkinson dễ mắc bị suy dinh dưỡng. Mục tiêu: Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân Parkinson tại Bệnh viện Lão khoa trung ương từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021. Phương pháp: Tình trạng dinh dưỡng được đánh giá theo các chỉ số nhân trắc, sinh học và thang điểm đánh giá tình trạng dinh dưỡng tối thiểu MNA-SF. Kết quả: Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là: 69,2 ± 9,1tuổi, với tỉ lệ nữ giới chiếm 60,4%. Tuổi khởi phát trung bình là: 62,8 ± 8,0 tuổi, đa số bệnh nhân khởi phát triệu chứng bệnh ở nhóm tuổi 51 - 70 tuổi (66,4%). Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ bệnh nhân thiếu năng lượng trường diễn theo chỉ số chu vi vòng cánh tay và chỉ số BMI lần lượt là 34% và 27,4%. Theo chỉ số sinh học, có 12 bệnh nhân (11,3%) có vừa có tình trạng giảm albumin máu và thiếu máu. Theo thang điểm đánh giá tình trạng dinh dưỡng tối thiểu MNA-SF, có 14,2% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng và 51,9% bệnh nhân có nguy cơ suy dinh dưỡng, tổng cộng có tới 66,1% bệnh nhân có vấn đề về dinh dưỡng và cần can thiệp về dinh dưỡng. Kết luận: Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân Parkinson có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao, chiếm 27,4% khi đánh giá theo chỉ số nhân trắc và 66,1% theo thang điểm MNA-SF. Thang điểm MNA-SF có thể phát hiện sớm những thay đổi về tình trạng dinh dưỡng, từ đó có can thiệp kịp thời về dinh dưỡng.