Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng các sản phụ tiền sản giật - sản giật tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông và kết quả thai kỳ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang gồm 47 sản phụ được chẩn đoán tiền sản giật - sản giật nhập viện theo dõi điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong khoảng thời gian từ tháng 5/2019 đến 5/2020. Khảo sát các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng xuất hiện trong quá trình điều trị gồm các triệu chứng của bệnh, phản ánh tổn thương đa cơ quan liên quan đến tiền sản giật - sản giật. Kết quả thai kỳ gồm thời điểm, phương pháp chấm dứt thai kỳ và các biến chứng trên mẹ và con. Kết quả: Tỷ lệ tiền sản giật - sản giật chung là 0,8%, trong đó 0,2% trường hợp non tháng và 0,3% trường hợp bệnh nặng. 29,8% trường hợp tiền sản giật có dấu hiệu phù bệnh lý, 80,8% trường hợp tiền sản giật có tăng huyết áp mức độ 1, nhóm tiền sản giật nặng có 61,9% trường hợp tăng huyết áp độ 3. Nồng độ axit uric ở nhóm tiền sản giật nặng (405,1 ± 85,5 μmol/l) cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không có dấu hiệu nặng (340,3 ± 82,8 μmol/l) với p <
0,05. Tỷ lệ mổ lấy thai chung ở nhóm sản phụ tiền sản giật là 87,2%, tỷ lệ này ở nhóm tiền sản giật nặng lên đến 95,2%. Nhóm tiền sản giật nặng có cân nặng trẻ sơ sinh thấp hơn, tuổi thai kết thúc thai kỳ nhỏ hơn so với nhóm không có dấu hiệu nặng. Biến chứng sản giật và tử vong chu sinh chiếm 2,1% và đều xảy ra ở nhóm tiền sản giật nặng. Kết luận: Tỷ lệ tiền sản giật - sản giật ở Bệnh viện Hà Đông tương đối thấp, tuy nhiên tỷ lệ mổ lấy thai ở ở nhóm bệnh nhân này khá cao, đặc biệt ở nhóm bệnh nặng. Cân nặng trẻ sơ sinh, tỷ lệ sinh non, tỷ lệ các biến chứng đều theo chiều hướng bất lợi ở nhóm tiền sản giật nặng.