Tìm hiểu các tác nhân gây ngộ độc và mối liên quan với đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đặc điểm tổn thương thận cấp ở bệnh nhân ngộ độc có tổn thương thận cấp. Nghiên cứu mô tả tiến cứu trên 73 bệnh nhân ngộ độc cấp có tổn thương thận cấp điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 7/2019 đến 7/2020. Các biến số nghiên cứu được thu thập theo mẫu bệnh án thống nhất. Kết quả cho thấy tác nhân gây ngộ độc chiếm tỉ lệ cao nhất là hóa chất bảo vệ thực vật (28,8%), tiếp đến ngộ độc ma túy tổng hợp (24,7%), thuốc (17,8%), rượu (15,1%), tác nhân khác (13,6%). Tỉ lệ các dấu hiệu nặng gặp nhiều nhất trong ngộ độc ma túy: tụt huyết áp (61,1%), suy hô hấp (83,3%), rối loạn ý thức (83,3%), suy đa tạng (88,9%), tăng kali máu (77,8%), tiêu cơ vân (66,7%), tăng lactat (83,3%) cao hơn so với các tác nhân gây ngộ độc khác. Các hóa chất bảo vệ thực vật có tỉ lệ tổn thương thận tăng lên sau vào viện cao nhất (81%). Tỉ lệ tử vong cao nhất là nhóm ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật (57,1%), rượu (45,5%), tác nhân khác (20%), thuốc (15,4%), ma túy (5,6%). Kết luận: nghiên cứu chỉ ra các tác nhân gây ngộ độc cấp có tổn thương thận cấp thường gặp và mối liên quan với các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và đặc điểm tổn thương thận giúp hỗ trợ điều trị và tiên lượng cho bệnh nhân.