Hiện nay ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề nan giải đối với môi trường, trong đó số lượng nhựa PET (polyethylene terephthalate) phế thải ngày một tăng nhanh chóng, chiếm 30% tổng lượng PET tiêu thụ, nhưng chỉ có một phần nhỏ được tái chế (trong năm 2016 là 7%). Để góp phần bảo vệ môi trường cũng như tạo ra vật liệu có nhiều ứng dụng, trong nghiên cứu này tác giả tái sử dụng nhựa PET để tổng hợp axit terephtalic (TPA), từ đó dùng để chế tạo vật liệu khung hữu cơ kim loại MOF-Zn và MOF-Cu. Các MOF này được tổng hợp bằng phương pháp nhiệt dung môi. Bài báo tổng hợp các MOF với khung hữu cơ TPA được điều chế từ nhựa phế thải PET, các khung kim loại là Cu (II) và Zn (II). Các phép phân tích cấu trúc vật liệu được thực hiện bằng giản đồ tia X (XRD, D8-Advance Bruker, Đức), phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FT-IR, BIO-RAD FTS-3000, Nhật Bản). Hình thái bề mặt được phân tích bằng hiển vi điện tử truyền qua (TEM, JEOL 1010, Hitachi, Nhật Bản) và hiển vi 4 điện tử quét (SEM, S4800, Hitachi, Nhật Bản).