Khảo sát đặc điểm gây bệnh và kháng kháng sinh của P.aeruginosa tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang trên 43 chủng P.aeruginosa phân lập từ đàm, dịch phế quản, máu, nước tiểu, mủ tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Xác định mức độ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn bằng phương pháp Kirby-Bauer. Phân loại mức độ đa kháng theo Magiorakos. Kết quả: Tỷ lệ P.aeruginosa gây nhiễm trùng ở nam: 62,8%, ở nữ: 32,7%. Nhiễm khuẩn P.aeruginosa chủ yếu ở bệnh nhân trên 60 tuổi (83,7%). Các chủng P.aeruginosa phân lập được nhiều nhất tại khoa Hồi sức tích cực chống độc (41,9%), Nội hô hấp (18,6%), Nội lão (13,9%), Ngoại tổng hợp (9,3%), Ngoại chấn thương-thần kinh (9,3%) và Nội thận (7%). Hình thái nhiễm trùng lâm sàng do P.aeruginosa thường gặp nhất là nhiễm trùng hô hấp (60,5%), nhiễm trùng tiết niệu (16,3%), nhiễm trùng vết thương (9,3%), nhiễm trùng vết mổ (2,3%), nhiễm trùng vết loét (9,3%) và nhiễm trùng máu (2,3%). P.aeruginosa phân lập được từ đàm (51,2%), mủ (20,9%), nước tiểu (16,3%), dịch phế quản (9,3%) và máu (2,3%). P.aeruginosa đề kháng thấp với Colistin, Piperacillin/Tazobactam, Amikacin lần lượt là 16,3%
11,6%
32,6%, đề kháng dao động từ 40-60% với các kháng sinh: Torbramycin và Gentamycin (44,2%), Cefepime (46,5%), Ciprofloxacin (53,5%), Meropenem (44,2%), Imipenem (41,9%), Levofloxacin (55,8%), Ofloxacin (58,1%). Có 23,3% P.aeruginosa MDR, 30,2% XDR và không có PDR. Kết luận: P.aeruginosa gây nhiễm trùng chủ yếu ở người lớn tuổi và ở đường hô hấp. Vi khuẩn đề kháng từ 40-60% với các kháng sinh Ciprofloxacin, Meropenem, Imipenem, Levofloxacin, Ofloxacin. Có 23,3% chủng P. aeruginosa MDR, 30,2% XDR và không có PDR.