Choáng váng là một than phiền phổ biến của bệnh nhân, đặc biệt là tại phòng khám ngoại trú, nó ảnh hưởng đến 15 - 20% người lớn hàng năm tại Hoa Kỳ, và tỷ lệ mắc tăng lên ở người cao tuổi, chiếm xấp xỉ 30%. Chóng mặt là một nhóm nhỏ trong choáng váng, và cũng là nhóm triệu chứng phổ biến nhất của choáng váng. Chóng mặt là cảm giác chuyển động của bản thân hay vật thể xung quanh, và nhiều bệnh nhân mô tả nó là cảm giác mất định hướng trong không gian. Dưới khía cạnh thần kinh học, các bệnh nhân chóng mặt cần phải được khai thác bệnh sử và khám kĩ lưỡng để phân biệt giữa nguyên nhân trung ương và ngoại biên. Chóng mặt do nguyên nhân trung ương có tiên lượng xấu hơn và khó khăn hơn trong quản lý và điều trị so với chóng mặt do nguyên nhân ngoại biên. Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) chiếm hơn 30% bệnh nhân chóng mặt và là nguyên nhân phổ biến nhất của chóng mặt ngoại biên. Mặc dù BPPV không phải là một rối loạn đe dọa tính mạng, nhưng chất lượng cuộc sống và các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề. Việc chẩn đoán các loại BPPV chủ yếu dựa trên khám lâm sàng rung giật nhãn cầu theo tư thế và được thiết lập với các tiêu chí từ Phân loại Rối loạn Tiền đình của Hiệp hội Bárány. Hệ thống ghi hình rung giật nhãn cầu (VNG) là một công cụ mới tại Việt Nam, giúp ghi và phân tích rung giật nhãn cầu và các chuyển động nhãn cầu khác để chẩn đoán. Có rất ít dữ liệu về dịch tễ học lâm sàng BPPV ở Việt Nam. Với sự hỗ trợ của hệ thống VNG mới, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu này để xác định tỷ lệ và phân loại BPPV tại Bệnh viện Quân y 175, Việt Nam. Những dữ liệu này sẽ giúp nâng cao nhận thức về rối loạn tiền đình, đặc biệt là BPPV, cung cấp một bức tranh tổng thể về các loại BPPV tại Việt Nam.