Đậu tương là loại cây trồng nhạy cảm với các stress phi sinh học và được coi là cây chống chịu kém với các yếu tố bất lợi từ môi trường. Ứng dụng kỹ thuật chuyển gen để nâng cao khả năng chống chịu các stress phi sinh học ở đậu tương đang được quan tâm nghiên cứu. Hiệu quả chuyển gen ở đậu tương không những phụ thuộc vào kiểu gen của giống mà còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố như thao tác gây tổn thương, nồng độ vi khuẩn, chất chọn lọc, chất kích thích sinh trưởng... Trong nghiên cứu này, một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển gen CodA vào giống đậu tương ĐT22 đã được khảo sát. Kết quả cho thấy sử dụng phosphinothricin (ppt) 3 mg/l ở giai đoạn cảm ứng tạo chồi trong môi trường SIM và ppt 1,5 mg/l ở giai đoạn kéo dài chồi trong môi trường SEM cho hiệu quả chọn lọc cao nhất. Dịch khuẩn có giá trị OD650= 0,6 với thời gian ủ khuẩn 30 phút, đồng nuôi cấy 3 ngày trong tối và diệt khuẩn bằng cefotaxime 500 mg/l thích hợp cho cảm ứng tạo chồi và kéo dài chồi trên môi trường chọn lọc.