Nghiên cứu này nhằm đánh giá mối liên quan giữa kiểu hình Hội chứng buồng trứng đa nang (HCBTĐN) và kết cục thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu mô tả có theo dõi được thực hiện tại Trung tâm Nội tiết sinh sản và Vô sinh Đại học Y Dược Huế (HueCrei) trên các phụ nữ HCBTĐN thực hiện kỹ thuật TTTON trong khoảng thời gian từ tháng 01/2020 đến tháng 05/2021. Các bệnh nhân được chẩn đoán HCBTĐN theo tiêu chuẩn Rotterdam và phân thành 4 kiểu hình: kiểu hình A: rối loạn phóng noãn, cường Androgen và buồng trứng đa nang kiểu hình B: rối loạn phóng noãn và cường Androgen nhưng hình ảnh buồng trứng bình thường kiểu hình C: cường Androgen và hình ảnh buồng trứng đa nang nhưng có chu kỳ phóng noãn bình thường và kiểu hình D: có rối loạn phóng noãn và hình ảnh buồng trứng đa nang nhưng không có cường Androgen lâm sàng hoặc cận lâm sàng. So sánh các đặc điểm cơ bản, kết quả KTBT và kết cục TTTON ở các nhóm kiểu hình. Kết quả: Tổng cộng có 77 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu, trong đó kiểu hình A, B, C, D chiếm tỉ lệ lần lượt là 13% 2,9% 11,7% và 71,4%. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về các đặc điểm lâm sàng, nội tiết giữa các nhóm kiểu hình cũng như kết quả kích thích buồng trứng. Tỉ lệ có thai lâm sàng có xu hướng cao hơn ở nhóm kiểu hình cổ điển tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p= 0,173). Phân tích hồi quy đa biến cho thấy không có yếu tố độc lập nào kể cả kiểu hình ảnh hưởng đến tỉ lệ có thai lâm sàng ở các phụ nữ HCBTĐN khi thực hiện TTTON. Kết luận: Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ có thai lâm sàng giữa các nhóm kiểu hình HCBTĐN khác nhau. Cần có các nghiên cứu cỡ mẫu lớn theo dõi lâu dài để đưa ra kết luận chính xác và tin cậy.