Nghiên cứu xác định sự sai khác về thành phần loài và cấu trúc quần xã bọ chân chạy giữa các kiểu sử dụng đất thuộc hệ sinh thái núi đá vôi tại Khu Dự trữ Thiên nhiên Hữu Liên (Lạng Sơn). Bẫy hố được sử dụng để thu thập bọ chân chạy. Tổng cộng 80 bẫy hố được thiết lập và phân bố đều qua bốn kiểu sử dụng đất chính tại khu vực đất nông nghiệp, đồng cỏ, rừng trồng keo (10 năm) và rừng tái sinh (15 năm). Kết quả ghi nhận được 24 loài hình thái bọ chân chạy từ 477 cá thể. Sinh cảnh nông nghiệp (cánh đồng ngô) ghi nhận số lượng cá thể, số lượng loài và tính đa dạng các loài bọ chân chạy cao nhất. Cấu trúc quần xã bọ chân chạy khác nhau có ý nghĩa thống kê giữa các kiểu sử dụng đất. Phân tích đo lường đa hướng NMDS đã phân tách rõ rệt quần xã bọ chân chạy giữa sinh cảnh nông nghiệp và sinh cảnh rừng. Lớp thảm mục ảnh hưởng quyết định tới cấu trúc quần xã bọ chân chạy tại khu vực. Nghiên cứu bước đầu xác định được bốn loài bọ chân chạy làm sinh vật chỉ thị cho sinh cảnh nông nghiệp dựa vào phân tích giá trị chỉ thị sinh học (IndVal), bao gồm Pheropsophus jessoensis Morawitz, 1862, Chlaenius pleuroderus Chaudoir, 1883, Harpalus indicus Bates, 1891 và Chlaenius flavofemoratus Laporte, 1834.