Quả cà chua (Solanum lycopersicum) là thực phẩm giàu dinh dưỡng chứa nhiều hợp chất thứ cấp rất có lợi cho sức khỏe. Sự tạo thành quả cà chua thông qua thụ tinh được điều khiển bởi hormone thực vật auxin thông qua các protein Aux/IAA9 và ARF8. Việc gây đột biến bất hoạt gen SlIAA9 mã hóa cho auxin IAA9 sẽ dẫn đến sự phát triển quả cà chua không thông qua thụ tinh hay quả cà chua không hạt. Hiện nay, hệ thống CRISPR/Cas9 ngày càng được sử dụng phổ biến trong chỉnh sửa các gen mong muốn trên đối tượng thực vật. Trong nghiên cứu này, chúng tôi trình bày các kết quả thiết kế đoạn gRNA vào vector mang cấu trúc CRISPR/Cas9 hướng đến gen SlIAA9 của cà chua đồng thời thử nghiệm khả năng tiếp nhận cấu trúc mang Cas9 ở cây cà chua chuyển gen từ cấu trúc pRGEB31- IAA9G2. Nghiên cứu đã tạo được 2 chủng vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens mang các vector pRGEB31-IAA9G2 và pRGEB32-IAA9G2 chứa các cấu trúc biểu hiện hệ CRISPR/Cas9 hướng tới gen SlIAA9 trên cà chua. Chủng A. tumefaciens pRGEB31- IAA9G2 đã được sử dụng để chuyển gen vào cà chua giống Micro-Tom. Kết quả PCR kiểm tra các dòng chuyển gen cho thấy 5/14 cây chuyển gen thế hệ T0 có mặt gen Cas9 trong hệ gen, như vậy đã có sự tiếp nhận đoạn cấu trúc Cas9 vào hệ gen cà chua. Việc đánh giá hiệu suất gây đột biến, kiểu đột biến và độ ổn định của các đột biến trên gen đích SlIAA9 sẽ được tiến hành trên các cây thế hệ sau, khi cây có sự phát triển bình thường về hình thái cũng như có sự phân ly về gen Cas9 được chuyển vào.